H2S LÀ GÌ? NGUỒN GỐC VÀ ẢNH HƯỞNG
Khí H2S (Hydro sulfide) là một loại khí độc hại, có mùi trứng thối, được hình thành từ quá trình phân hủy chất thải lắng tụ, mùn bã hữu cơ của vi khuẩn trong điều kiện yếm khí. Sau đó, khí độc này sẽ kết hợp với Hemoglobin và ngăn cản vận chuyển oxy trong máu, khiến tôm không có đủ lượng Oxy cần thiết và chết.
Khí H2S tích tụ dưới nền đáy các thủy vực chủ yếu là do quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh hay quá trình phản Sulfate hóa với sự tham gia của các vi khuẩn yếm khí.
pH có liên quan đến sự tồn tại của các dạng Sulfide (H2S, HS–, S2-), dạng tự do (H2S) thì rất độc đối với cá nhưng phân ly thành các ion (HS–, S2-) thì chúng không độc, do đó tỷ lệ giữa dạng ion và dạng tự do được chú ý trong nuôi trồng thủy sản.
H2S gây độc khi nhiệt độ thấp, pH thấp và Oxy thấp. Do vậy, ban đêm H2S tăng cao gây độc cho động vật thủy sản. Khi có các điều kiện bất lợi khác như mưa nhiều, gió mạnh, thiếu sục khí, khi lột xác và sinh vật phù du tàn thì ảnh hưởng của H2S càng nhiều.
CÁCH PHÁT HIỆN
• Kiểm tra H2S bằng cách cấy mẫu bùn đáy tại hố bùn: mẫu bùn đáy lấy ở độ sâu 2 – 5cm và cấy trên đĩa TCBS. Vibrio thông thường cho khuẩn lạc màu xanh lá hoặc vàng trong khi vi khuẩn khử Sulfate cho khuẩn lạc có màu đen. Nếu nhìn thấy khuẩn lạc đen trên đĩa cấy có nghĩa là H2S đang được tạo ra.
Có thể dựa vào đo hàm lượng Sulfite (bằng test KIT hoặc trong phòng thí nghiệm) trong nước và tính ra lượng H2. Tuy nhiên việc kiểm tra này độ chính xác không cao do H2S là dạng khí nhẹ hơn không khí nên dễ bay hơi và khó lấy mẫu đạt chuẩn.
Do đó H2S được gọi là “Sát thủ thầm lặng” trong ao nuôi do khó kiểm tra nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm.
Thông thường ao đáy đất sẽ thường xuyên gặp các sự cố về H2S hơn ao lót bạt.
Hiện nay trong NTTS, nhóm vi khuẩn quang hợp được sử dụng nhiều nhất để kiểm soát H2S và mùn bã hữu cơ là vi khuẩn quang dưỡng tía và vi khuẩn lưu huỳnh lục. Vi khuẩn quang dưỡng tía bao gồm 2 nhóm là vi khuẩn quang dưỡng tía lưu huỳnh và vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh. Trong đó, nhóm vi khuẩn quang dưỡng tía lưu huỳnh sẽ tiến hành quá trình quang tự dưỡng (sử dụng H2S và chất hữu cơ) trong điều kiện có ánh sáng, tuy nhiên các loài này phân bố hẹp và ít được sử dụng trong ao nuôi tôm, cá. Trong khi đó, vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh sẽ ưu tiên tiến hành quá trình dinh dưỡng dị dưỡng trong điều kiện có ánh sáng, có nghĩa là chúng có thể sử dụng H2S làm thức ăn. Ngược lại trong điều kiện không ánh sáng chúng sẽ tiến hành quá trình hóa dị dưỡng hữu cơ tức là sử dụng chất hữu cơ làm thức ăn (chất hữu cơ có phân tử lượng thấp).
Do đó cần phân biệt các loại vi khuẩn để dùng đúng thời gian trong ngày để đạt kết quả như mong muốn
Ngoài ra một số loài thuộc nhóm này còn sử dụng chất vô cơ như NO2, NO3… làm chất nhận điện tử trong điều kiện thiếu oxy. Trong ao nuôi tôm, cá thường số lượng các loài vi khuẩn này không đủ nhiều để tiêu thụ hết lượng H2S hình thành, do lượng vật chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi rất lớn. Để tránh hiện tượng tích tụ H2S vượt quá mức cho phép, các chế phẩm vi sinh có chứa sinh khối các loài vi khuẩn này như Pseudomonas palustic, Thiobacillus sp., Rhododbacter, Paracoccus pantotrophus,… đã được ứng dụng với nhiều công dụng khác nhau.
NGUỒN: Kiến Thức Tôm Thẻ Chân Trắng – Litopenaeus vannamei